1. Home
  2. Tin tức
  3. Quy định về phòng cháy chữa cháy cơ sở

Quy định về phòng cháy chữa cháy cơ sở

Tầm quan trọng của việc PCCC tại cơ sở

Quy định về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ tài sản và tính mạng con người, đồng thời thể hiện trách nhiệm và ý thức của đơn vị đối với cộng đồng và xã hội.

Trước hết, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy chữa cháy giúp phòng ngừa và hạn chế nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và thiệt hại về người và của. Khi xảy ra sự cố cháy nổ, nếu không có phương án ứng phó kịp thời, thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy còn thể hiện ý thức trách nhiệm của cơ sở đối với cộng đồng xung quanh. Một đám cháy không chỉ gây thiệt hại cho cơ sở mà còn có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng đến khu dân cư lân cận. Vì vậy, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy tốt góp phần bảo vệ an toàn cho cộng đồng địa phương.

Hơn nữa, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy tại cơ sở còn thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật, văn minh và trách nhiệm của cơ sở đối với xã hội. Các đơn vị có hoạt động sản xuất, tích trữ nguyên vật liệu dễ cháy nổ đều phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn trong luật phòng cháy chữa cháy.

Quy định về phòng cháy chữa cháy tại cơ sở

A Thành lập đội pccc cơ sở

Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về thành lập và điều động lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở.

Căn cứ khoản 3 và khoản 6 Điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013, nơi sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác do Chính phủ quy định của doanh nghiệp, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở) phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.

Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là tổ chức gồm những người được giao nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.

Căn cứ khoản 1 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, người đứng đầu cơ sở và người đứng đầu cơ quan, đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có trách nhiệm thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.

B Nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở

Theo quy định tại Điều 45 Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở có nhiệm vụ:

– Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy.

– Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

– Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

– Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.

C Bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành

Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được bố trí lực lượng như sau:

  • Cơ sở có dưới 10 người thường xuyên làm việc thì tất cả những người làm việc tại cơ sở đó là thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và do người đứng đầu cơ sở chỉ huy, chỉ đạo;
  • Cơ sở có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 10 người, trong đó có 01 đội trưởng;
  • Cơ sở có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 15 người, trong đó có 01 đội trưởng và 01 đội phó;
  • Cơ sở có trên 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 25 người, trong đó có 01 đội trưởng và 02 đội phó;
  • Cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập có trên 100 người thường xuyên làm việc thì mỗi bộ phận, phân xưởng có 01 tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; biên chế của tổ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 05 người, trong đó có 01 tổ trưởng;
  • Cơ sở được trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới thì biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành phải bảo đảm duy trì số người thường trực đáp ứng theo cơ số của phương tiện chữa cháy cơ giới;
  • Đối với trạm biến áp được vận hành tự động, có hệ thống phòng cháy và chữa cháy tự động được liên kết, hiển thị, cảnh báo cháy về cơ quan chủ quản và có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thì không phải thành lập và duy trì lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Cơ quan, tổ chức trực tiếp vận hành, quản lý trạm biến áp phải chịu trách nhiệm duy trì và bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với trạm biến áp do mình quản lý.

D  Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy

Thành viên của đội phòng cháy và chữa cháy cơ cơ, thành viên của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành phải được huấn luyện, bồi dường nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy (theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP).

E Điều động lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, lực lượng phòng cháy và chữa cháy, chuyên ngành được điều động như sau:

(i) Người có thẩm quyền điều động đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành để tham gia vào các hoạt động phòng cháy và chữa cháy:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh được điều động đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của mình.

– Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện được điều động đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong phạm vi địa bàn quản lý của mình.

– Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được điều động đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong phạm vi cả nước.

(ii) Khi nhận được lệnh điều động tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy thì người có thẩm quyền quản lý lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phải chấp hành.

(iii) Thủ tục điều động lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy:

– Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi được điều động tham gia tuyên truyền, mít tinh, diễu hành, hội thao về phòng cháy và chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy; tham gia khắc phục nguy cơ phát sinh cháy, nổ; khắc phục hậu quả vụ cháy và những hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác phải có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của người có thẩm quyền;

– Điều động lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải bằng Lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy (Lệnh huy động lực lượng, phương tiện và tài sản tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy quy định tại Mẫu số PC20 ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP).

Trong trường hợp khẩn cấp thì được điều động bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải có lệnh bằng văn bản. Khi điều động bằng lời nói, người điều động phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại liên lạc và nêu rõ yêu cầu về số lượng người cần điều động, thời gian, địa điểm có mặt và nội dung hoạt động.

Kết luận

Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy chữa cháy tại cơ sở là trách nhiệm chung của cả chủ cơ sở và từng cá nhân trong cộng đồng. Đảm bảo an toàn và bảo vệ tính mạng, tài sản không chỉ đơn thuần là việc lắp đặt thiết bị, mà còn phụ thuộc vào ý thức chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định.

Mỗi cơ sở cần chủ động cập nhật các quy định mới nhất về phòng cháy chữa cháy, xây dựng môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu rủi ro và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp.

Tags:

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Thông tin liên hệ tư vấn